Cần Thơ có hai trường tiếng Hoa lớn- Thọ Nhơn và Đức Trí- cùng nằm trên đại lộ Hòa Bình. Sân trường cũng là sân bóng rổ. Đi ngang qua, lúc nào người ta cũng thấy có học trò tập chơi bóng. Bóng rổ là môn thể thao bắt buộc. Mỗi lớp là một đội. Các đội thi đấu hàng năm để tranh giải. Các trường tranh giải tứ hùng hoặc nhân một dịp lễ lộc gì đó.
Phùng Trương có cái thú chạy xe Honda vòng vòng ngắm nghía quán xá, cây cảnh ở trên những con đường này cho đến mấy cô gái đang đi trên đấy. Nó thích thú với cái nét lên rổ của anh chàng cầu thủ này và cũng rất mê các nét mặt, cái nụ cười của cô gái nào đó mà nó bắt gặp. Bóng rổ là một phần lớn trong đời của Phùng Trương. Còn tôi ư? Bóng rổ giúp tôi tự tin hơn, nhanh nhẩu hơn và hấp dẩn hơn và việc tôi chơi khiến mẹ tôi hảnh diện. Bà khoe với lối xóm rằng:
“Thằng Thành nhà tôi chỉ lo học và ham chơi bóng rổ thôi.”
Có một bà hàng xóm đáp trả ngay:
“Bà thật có phước. Thằng con nhà tôi không những chỉ không lo học mà còn lo phá làng phá xóm.”
Việc tôi xin đi xem người ta chơi bóng rổ cũng khiến mẹ tôi vui lòng nữa. Tối tối sau khi học xong bài vở, tôi xin mẹ tôi ít tiền để uống sữa đậu nành hoặc nước sâm hoặc xin phép bà đi đến sân bóng rổ trường Thọ Nhơn ngồi xem cho đến 10 giờ.
Có một lần, Tuấn Lùn- một tay chơi khá trong đội- bị bệnh. Chúng tôi, cả thảy 5 đứa đến nhà thăm nó với cái tinh thần: “Một con ngựa đau, cả tào không ăn cỏ.” Phùng Trương che miệng cười mím chi:
“Thằng Tuấn có em gái đẹp lắm.”
Ai đó lên tiếng,
“Vậy nếu em nó xấu xí, chắc mầy không đến thăm đâu phải không?
Thằng Bình Đen nhanh miệng thêm vào:
“Tao khoái đến thăm nó vì thể nào cũng có bánh ăn cho mà xem. Lò làm bánh mà!”
Tôi nghiêm túc hỏi cả bọn:
“Nhưng ai vào nhà thưa chuyện đây? Thằng Trương, đội trưởng hay là ai?”
Có tiếng xen vào, có ý chọc tôi,
“Thằng nào chơi dở nhất làm đại diện.”
“Phải đấy, phải đấy! Thằng Thành chơi dở nhưng ăn nói hay lắm.”
Thế nên, tôi phải cố trấn tỉnh bước lên bật tam cấp và cất tiếng gọi,
“Tuấn ơi!”
No comments:
Post a Comment