Friday, August 31, 2012
HỒNG HẠNH NGÀY XƯA
Tôi học lớp Năm 3 tại trường Tiểu Học Tham Tướng, Cần Thơ. Một phần ba học sinh trong lớp tôi học khá giỏi và tôi may mắn được ở trong nhóm đó.
Một buổi chiều chuyển mưa, tôi bị một cơn cảm lạnh đột ngột. Tôi thấy trời đất quay cuồng khi đang đứng nhìn cả lớp đùa giởn trong giờ ra chơi. Đang đứng cạnh bên, Hồng Hạnh nhận ra sự khác thường trên gương mặt của tôi.
“Thành ơi ! có sao không? Ai chạy đi kêu cô giùm coi?”
Hạnh và một ai đó tôi không nhận ra dìu tôi vào lớp trong khi cô Thuỷ đã được báo tin rằng tôi bị trúng gió. Cô Thuỷ lớp tôi nổi tiếng là hiền thục, khó khăn, dạy giỏi và cạo gió hay nữa. Cô gom tất cả các chai dầu gió của học trò trong lớp. Tôi được cô bắt đứng úp mặt xuống bàn và tôi bị cởi trần. Bốn năm học trò được cô chỉ định lên để kềm tay khoá chân tôi lại. Hồng Hạnh xung phong làm người thoa dầu để cô Thuỷ chỉ có cạo và cạo.
Tôi như con lươn bị cạo sạch nhớt trước khi bị đem ra xào nấu. Tôi không biết thợ nấu sẽ là ai, nhưng cô Thuỷ đang là thợ cạo. Đồng 50 xu bằng nhôm với cạnh sắc bén được cô Thuỷ miết sát trên da lưng khi liên tục được Hồng Hạnh bôi trơn bằng dầu gió. Trời tối sầm vì các đám mây đen ngòm. Da lưng tôi cũng chuyển thành màu bầm đen. Mỗi cái sấm chớp bên ngoài trời như mỗi nhác cạo như xé rách da thịt. Mỗi lần cô miết kéo mạnh cái đồng 50 xu đó là mỗi lần tôi uốn éo cái lưng hoặc kêu gào lên đau đớn.
Sau hơn nửa giờ ra tay, cô Thuỷ kêu người gọi xe xích lô để đưa tôi về nhà sau khi cạo xong và cũng chính tay Hạnh với cô đưa tôi lên xe. Hồng Hạnh thản nhiên chen lên ngồi kế tôi như một người chị gái cũng như chị nảy giờ đã vuốt ve, đã xức dầu và đã phụ giúp cô cạo tôi cho đến khi tôi “hết gió”.
THƯ CHO MẸ
Mẹ tôi đi học ở tận Hà Nội.
Mồ côi cha sớm, hai anh em tôi xem dượng Bảy như cha.
Một chiều nọ, biết hai đứa tôi đã làm xong bài tập, dượng Bảy bảo hai đứa tôi,
“Mẹ tụi con học xa, rất nhớ nhà. Nếu thương mẹ, cố viết thư thăm hỏi mẹ đi.”
Không ai bảo ai, hai đứa tôi tìm chổ ngồi để viết thư cho mẹ.
Dượng Bảy đi đi lại lại, không để ý đến cái chúng tôi viết.
Ông ấy có vẻ muốn xem cái cách hai đứa tôi ngồi viết.
Im lặng, không có ai nghe một tiếng động.
Sau hơn 30 phút sau, Dượng bảy tằng hắng và lên tiếng,
“Thôi được rồi. Tụi con ngoan lắm. Chắc mẹ con vui và đem thư ra khoe cùng cả lớp học cho mà xem.”
Dượng Bảy âm thầm cho 2 tờ giấy tập học trò anh em tôi vừa viết xong vào một phong bì và nói nhỏ nhẹ,
“Hồi đi học xa nhà, cái mà Dựơng mong đợi nhất là thư.”
Hơn mười ngày sau, ở Hà Nội, mẹ tôi nhận được bức thư đó.
Bà đóan thầm rằng bà sẽ đọc to lên cho cả lớp nghe,
“Mẹ yêu thương hoặc Kính thưa mẹ.”
Nhưng chúng tôi đã vào đầu bức thư như thế này,
“Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam .
Độc lập- tự do- hạnh phúc”
Kính thưa má!
Dù nghe nhiều tiếng cuời nhưng ai cũng thấy mẹ tôi đưa tay gạt 2 giọt nước mắt.
Wednesday, August 15, 2012
Thủy Tiên- cô học trò nhỏ- 1
Thủy Tiên mất bố mẹ hồi còn rất ít tuổi. Sống với ông bà ở Biên Hòa cho đến tuổi chớm biết yêu, cô bé đã khiến cho ông bà già đi nhiều hơn trước tuổi, khóc nhiều hơn cười vui và cầu nguyện nhiều hơn bất cứ ai khác.
Như nhiều học sinh đệ nhất cấp khác, Thủy Tiên học yếu từ ngay năm đệ thất. Hai năm sau, cô gái bé nhỏ ấy biết yêu và xúyt bỏ nhà đi theo nhóm trai trẻ trong lớp. Ông Bà Năm mang cô cháu tội nghiệp lên Bảo Lộc một tuần như là cách cùng với cô chạy trốn, như là cách để họ khây khỏa, để mong tìm ra một lối thoát. Khi Ông Bà Tâm đưa họ đến nhà trọ chúng tôi để hái trái bơ trên cái cây ngay sau gian bếp nhỏ tăm tối khi tôi đang làm cơm, cuối năm học lớp 11, tháng 4 năm 1973, họ mới nhận ra rằng trên đời này có một người nam sinh, cần cù khéo léo trong chuyện bếp núc, chăm chỉ trong chuyện học hành và rất nghiêm khắc trong việc đưa tình yêu thương mẹ vào trong cuộc sống thường nhật như tôi.
Về lại Biên Hòa, Thủy Tiên liền chớm thay đổi. Cô xin ông bà mua cho một cây đàn guita. Cô nài nỉ một khoản tiền để đi học thêm và cuối cùng nàng quyết định xin ông bà cho lên Bảo Lộc để sống với Bác Tâm bất chấp bao nhiêu lần ông bà nội ôm nàng khóc. Biết tôi chuyển sang ở chung với Tài Bột, Ông Tâm đến tìm tôi tại nhà trọ mới và trịnh trọng ngỏ lời,
“Anh Thành này, biết anh có thể giúp được cô cháu nhỏ của tôi nhiều điều, xin anh đến ở với chúng tôi làm gia sư. Xin anh nhận lời giúp chúng tôi nhé. Chúa nhân từ sẽ ở cùng với chúng ta.”
Tôi, ái ngại, rụt rè và bị chạm tự ái, với giọng Bắc tôi đã cố tập được, trả lời,
“Cám ơn Bác Tâm đã nói thế. Cháu chỉ giúp được chút ít thôi vì cháu phải lo chuyện bài vỡ năm nay nữa cơ. Cháu còn phải viết thư về xin phép mẹ cháu trước đã.”
Ngồi cạnh bên, chăm chú nghe câu chuyện, Ông Phúc chủ nhà thêm vào,
“Bác Tâm đây đã nói thế thì anh xem nhín ra ít giờ để giúp cho cô cháu tội nghiệp. Ngay như anh lớn nhà tôi đây này, cứ hết lời khen anh, cứ hết dạ lo học từ ngày anh dọn đến đây ở với chúng tôi.”
Ông Tâm sốt sắng kết luận,
“Anh nhận lời cho chúng tôi vui nhé. Tôi sẽ đi Cần Thơ gặp mẹ anh để xin phép cho anh nhé. Anh cho tôi địa chỉ nhé.”
(còn tiếp)
Sunday, August 5, 2012
Saturday, August 4, 2012
Friday, August 3, 2012
CÂY ĐÀN
Học xa nhà, ba nó đã tự tập chơi đàn từ năm 16 tuổi.
Để làm quà sinh nhật lần thứ 5 của nó, ông đã mua cho nó một cây đàn guitar.Hàng tháng ông trả góp tiền mua cây đàn. Hàng năm, trong dịp sinh nhật nó hay dịp mẹ nó có bạn đến chơi, ba nó mang đàn ra hát. Hàng tuần trong lớp thiếu nhi, ba nó cũng thỉnh thỏang dạy bài hát và đệm đàn. Ông luôn mong sao nó thích chơi đàn.
Năm tháng trôi qua, tóc của ba nó ngày càng hoa râm. Nó ngày càng thích nghe nhạc tiếng Anh. Nó chưa bao giờ muốn đánh thử một tiếng đàn nào. Vào lớp 10, nó theo một nhóm bạn chơi bóng rổ. Ba nó không buồn nhắc nhở nó bất cứ điều gì ngoài việc nó nên ăn nhiều hơn. Nó tốt nghiệp trung học và vào một đại học trên Sài gòn.
Giống cha, nó ham học, ít bạn và không hề đi chơi. Nó hơn cha một điều, vào một tổ chức hoạt động vì trẻ em. Tự dưng nó nảy ra ý định học chơi đàn để sau đó biểu diển trong những lần sinh hoạt. Ba nó được một người nhạc sĩ tặng cho một cây đàn rất đẹp. Nó xin đã xin ba cho cây đàn để theo học một lớp tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Nó tập hàng ngày và sau 3 tháng nó biểu diển được bản nhạc đầu tiên.
Năm sau, khi về nhà nghỉ hè, nó chơi cây đàn củ 18 năm trước ba nó đã mua. Tiếng đàn du dương của dây đàn nylon làm nó mê mẩn. Nó nhờ mẹ nó xin ba cho nó đổi cây đàn.
Ba nó nhẹ nhàng bảo nó,
“18 năm trước ba đã mua nó cho con. Bất cứ điều gì, thứ gì ba có hoặc ba tạo ra đều là vì con, cho con hết đấy thôi.”
Nó ôm ghì cây đàn vào lòng đánh đọan nhạc dạo đầu của bài Papa. Nhẹ nhàng nó hát,
“Everyday, my papa’d take and tuck me in my bed….”
Ba nó mỉm cười quay đi hai con mắt đỏ hoe.
Thanh Luong
HỒNG HẠNH NGÀY XƯA
Tôi học lớp Năm 3 tại trường Tiểu Học Tham Tướng, Cần Thơ. Một phần ba học sinh trong lớp tôi học khá giỏi và tôi may mắn được ở trong nhóm đó.
Một buổi chiều chuyển mưa, tôi bị một cơn cảm lạnh đột ngột. Tôi thấy trời đất quay cuồng khi đang đứng nhìn cả lớp đùa giởn trong giờ ra chơi. Đang đứng cạnh bên, Hồng Hạnh nhận ra sự khác thường trên gương mặt của tôi.
“Thành ơi ! có sao không? Ai chạy đi kêu cô giùm coi?”
Hạnh và một ai đó tôi không nhận ra dìu tôi vào lớp trong khi cô Thuỷ đã được báo tin rằng tôi bị trúng gió. Cô Thuỷ lớp tôi nổi tiếng là hiền thục, khó khăn, dạy giỏi và cạo gió hay nữa. Cô gom tất cả các chai dầu gió của học trò trong lớp. Tôi được cô bắt đứng úp mặt xuống bàn và tôi bị cởi trần. Bốn năm học trò được cô chỉ định lên để kềm tay khoá chân tôi lại. Hồng Hạnh xung phong làm người thoa dầu để cô Thuỷ chỉ có cạo và cạo.
Tôi như con lươn bị cạo sạch nhớt trước khi bị đem ra xào nấu. Tôi không biết thợ nấu sẽ là ai, nhưng cô Thuỷ đang là thợ cạo. Đồng 50 xu bằng nhôm với cạnh sắc bén được cô Thuỷ miết sát trên da lưng khi liên tục được Hồng Hạnh bôi trơn bằng dầu gió. Trời tối sầm vì các đám mây đen ngòm. Da lưng tôi cũng chuyển thành màu bầm đen. Mỗi cái sấm chớp bên ngoài trời như mỗi nhác cạo như xé rách da thịt. Mỗi lần cô miết kéo mạnh cái đồng 50 xu đó là mỗi lần tôi uốn éo cái lưng hoặc kêu gào lên đau đớn.
Sau hơn nửa giờ ra tay, cô Thuỷ kêu người gọi xe xích lô để đưa tôi về nhà sau khi cạo xong và cũng chính tay Hạnh với cô đưa tôi lên xe. Hồng Hạnh thản nhiên chen lên ngồi kế tôi như một người chị gái cũng như chị nảy giờ đã vuốt, đã ôm, đã xức dầu và đã phụ giúp cô cạo tôi cho đến khi tôi “hết gió”.
Tôi cảm phục Cô Thuỷ và cảm ơn Hồng Hạnh. Tôi bị Hạnh làm choáng ngợp, cái cảm giác tiếp xúc rất con gái của Hạnh. Chúng tôi thân với nhau hơn và từ đó tôi giúp Hạnh viết bài, cho Hạnh xem các bài luận văn của tôi, cách giải những bài tóan động tử khó và đến một ngày kia Hồng Hạnh cho tôi biết một sự thật.
Lương Ngọc Thành
Thursday, August 2, 2012
BÓNG NẮNG BÓNG RÂM
Con đê ấy dài hun hút như cuộc đời.
Ngày hai mẹ con về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có có mổi hai mẹ con.
Lúc trời nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên con, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố đi nhanh theo mẹ.
Lúc trời râm mát, con đi chậm, mẹ mắng:
- Lúc mát trời, đi nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng:
“Tại sao nắng hay râm gì ta đều phải vội vậy?”
Trời vẫn cứ lúc nắng, lúc râm...
Sau khi mẹ mất, đến lúc mộ mẹ xanh cỏ, con mới hiểu ra rằng:
“Trong đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.”
ĐÊM CUỐI CÙNG
Đêm thứ ba trong bệnh viện, gần 3 giờ sáng, tôi nhận thấy mẹ có những biến động khác thường và vội báo cho phòng trực.
Một bác sĩ trẻ và một y sĩ vội đến để cấp cứu. Họ làm tất cả những gì họ có thể. Sau năm phút mười phút gì đấy, cả hai nhìn tôi, rất buồn bã,
“Thưa thầy, tụi em xin chia buồn với thầy.”
Tôi rùng mình và nghẹn lời khi cảm ơn họ. Tôi ràn rụa nước mắt. Tôi chợt kêu rú lên trong lúc tôi ghì cánh tay của mẹ tôi,
“Má ơi! má không chờ để chị và em con về để nhìn thấy má sao má ơi!”
Trong một giây khắt, tôi rơi lọt vào một thung lủng sâu đến tận cùng. Tôi bỗng như một đứa trẻ bị ném vào một cái hang tối ẩm ướt, lạnh lẻo. Tôi bỗng như một hành khách trong một chuyến đi vượt biên bị cướp bọn biển ném xuống biển sâu lúc nửa đêm. Tôi thẫn thờ như một bệnh nhân tâm thần được cho xuất viện- không có nơi đến- không có ai đón- không có gì để làm và không có gì để mất. Tôi như một cô gái quê mùa bị ném vào một chốn xa đọa, nguy hiểm. Tôi như một đứa bé con vừa được sinh ra rồi bị bỏ rơi đâu đó trên đường, trong một cái giỏ nhỏ.
Cố trấn tĩnh nhìn đồng hồ- 2:56, tôi điện thoại báo tin cho nhà tôi. Tôi ký tên vào hồ sơ bệnh án. Tôi tĩnh táo nhớ đến việc xin xe chở xác mẹ tôi về. Tôi gọi B.S phó giám đốc- một học trò cũ và được phúc đáp ngay. Quả đúng là tôi được những thứ một người bình thường không thể có được. Ngay sau khi đưa mẹ tôi về nhà, tôi gọi ngay cho các bạn hữu Nông Lâm Súc Bảo Lộc bên Cần Thơ mỗi có tin vui hay buồn gì, chúng tôi cũng cần có nhau, hơn thế nữa họ là những người kính quý mẹ tôi.
“Mẹ ta đang ở nhà.” tôi căn dặn mình như thế.
“Mẹ ta đang nằm nghỉ đấy.” tôi muốn nói thì thầm với mọi người.
Tôi không biết phải làm sao lấp cái khoảng trống đang lan rộng, đang bao trùm lấy tôi. Cái khoảng trống mà bất kỳ người con thương mẹ nào cũng phải trải qua, phải ngập chìm trong đó cho đến bất tận, cho đến hết cuộc đời họ. Tôi ngồi bất động bên giường mẹ tôi.
Nếu có một được một phép mầu, tôi chỉ xin được thay chỗ: “Mẹ tôi ngồi đây để tôi đổi lại nằm chỗ kia.”
Ôi! Cái hoán đổi đơn giản kia sao mà khó thế!
NHỔ ĐINH
Có một cậu bé trai có tật xấu là ưa nổi nóng, quạu quọ. Vì vậy, cha cậu đã đưa một túi đinh, bảo cậu mỗi khi nổi nóng quạu quọ thì hãy đóng một cây đinh lên trên bờ rào phía sau vườn nhà.
Ngày thứ nhứt, cậu đóng được 37 cây đinh. Từ từ, mỗi ngày số đinh được đóng lên bờ rào mỗi ít đi. Cậu cũng nhận thấy mình đã khống chế phần nào tật xấu, cũng như cái việc đóng những cây đinh có hơi dễ dàng.
Cuối cùng, một ngày kia cậu bé này thấy là mình vẫn đủ nhẫn nại để không nổi lên cái tật xấu nóng nảy quạu quọ nữa. Hắn bèn báo cho cha nó biết việc này. Cha cậu lại bảo,
“Bắt đầu từ nay, mỗi khi chế ngự được tật xấu, con nhổ bỏ một cây đinh.”
Ngày ngày trôi qua, sau cùng cậu báo cho cha hay là đã nhổ hết những cây đinh rồi. Người cha nắm tay con trai ra sau vườn nhà và nói với nó rằng:
“Con của cha ngoan lắm, con làm rất hay. Nhìn những lỗ đinh trên bờ rào: bờ rào này không thể hồi phục được nguyên trạng nữa. Một khi con nổi nóng thì những lời nói của con cũng giống như những cái lỗ đinh này. Chúng đã
để lại những vết hằn. Giả dụ như con dùng dao đâm
người ta một dao. Bất luận là con đã nói bao nhiên lần những lời tạ lỗi, vết thương đó vẫn sẽ vĩnh viễn còn đó.”
WHO ARE THEY?
What are they doing? How are they feeling? What are they sitting on? What is she holding on her hand? What is he wearing on his hat?
Subscribe to:
Posts (Atom)