Sunday, October 20, 2013

CHỊU ĐỰNG

                                                  CHỊU ĐỰNG

Một hôm, ba của Lâm Phèn một nông dân chuyên trồng nho, đen đúa như một người dân tộc, từ Tháp Chàm Phan Rang vào thăm nó với một số tiền mặt khá lớn.           Hai cha con xuống Sài Gòn bằng xe bus nhưng họ đã trở về với một chiếc Honda Dam cũ ba nó vừa mới mua cho nó.
    Lấy trong cái giỏ sách tay ra, Lâm Phèn khoe với tôi cái thứ mà tôi hằng khao khát, một cái máy cassette mới tinh. Đêm đó hai cha con họ ngủ rất ngon và dĩ nhiên họ đã không hề hay biết bao nhiêu trăm giọt nước mắt buồn tủi đã tuôn trào từ hai mắt tôi lên cái gối và bao nhiêu lần tôi phải cắn răng thật chặt để không phải bật ra tiếng nấc nghẹn. Lâm Phèn chắc đang mơ đến ngày ra trường để về lại Phan Rang làm việc. Còn tôi ư? Cũng đã như thường khi, tôi mơ đến ngày tôi được nhìn thấy mọi người bên giòng họ 2 bên nghênh đón 2 mẹ con tôi trở về lại quê hương.
    Sáng hôm sau đó, sau tiển ba nó ngoài xa lộ đón xe về quê, nó mang về phòng 2 ổ bánh mì thịt. Thân thiện và lịch sự, nó trao tay tôi một ổ bánh mì,
“Ăn sáng đi Thành Xì.”
Nó mời tôi và tin là tôi vui vẻ nhận lời. Tôi lạnh lùng đáp,
“Tao quen nhịn buổi sáng rồi. Mày cứ ăn đi.”
Ngạc nhiên lắm, nó giải thích nhỏ nhẹ rằng,
“Ông già dặn mua ít gì ăn sáng cho Thành đó.”
Tôi nghiêm giọng lại cũng để giải thích, có phần hơi thậm xưng ,
“Ba năm học trên Bảo Lộc lạnh và đói, tao đã có ăn sáng bao giờ đâu!”
Nó nghẹn họng. Nó không biết phải nói gì nữa và biết không thể thuyết phục được tôi, nó cũng phải đành nhịn không ăn ổ bánh mì kia luôn cho đến bửa cơm trưa. Trong lúc ăn chung mâm cơm với nó, tôi giải thích,
“Tao đã quen nhịn đói rồi. Tao thấy không cần phải thay đổi cái thói quen tốt này, phải hông mậy?”     
Lâm Phèn cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng tôi tin rằng nó không thật sự tin là tôi nói thật lòng. Trên đường trở về nhà trọ, khoát tay lên vai nó, tôi vổ về,
“Thôi quên chuyện đó đi.”
Đầu tuần nó cùng thằng bạn gốc Phan Rang đi xuống ĐH Bách Khoa Phú Thọ lúc 4 giờ rưỡi. Tôi âm thầm đạp xe rời nhà trước đó một tiếng đồng hồ. Nó đèo một thằng cùng quê theo đường xa lộ, còn tôi một mình đạp xe ra ngỏ cầu Bình Lợi. Dù ở chung phòng, chúng tôi có nhiều điều không chung nhau. Nó học thuộc lòng, tôi thì không. Nó ngủ sớm, tôi thì không. Nó có bố thương yêu lo lắng, tôi thì không. Nó không có một ư tư phiền muộn gì với hai họ nội ngoại, còn tôi thì có nhiều không kể siết. Nó đã chẳng có nỗi vất vả nào hồi trung học NLS, còn tôi thì có khá nhiều.
   Tôi tin vào sức học và tin rằng tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn trong đời. Ngược lại, nó không tin lắm vào khả năng của nó để vượt qua hằng năm học. Tôi tin vào việc mầy mò học từ vựng, tôi có thể đọc hiểu chút ít các tài liệu bằng tiếng Anh. Nó hòan tòan chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Cái máy cassette được ba nó tin rằng sẽ giúp nó học nhưng cái máy đó đã khiến tôi thèm thuồng và nghẹn ngào mỗi khi nhìn thấy nó. Lâm phèn tế nhị nhận ra điều ấy nên nó đã cất kỹ cái máy mới tinh đó ở dưới đáy rương.
    Một sáng nọ, đang làm bài tập Hóa, tôi thấy nó rón rén ra cổng. Dù đang dồn hết tâm vào các note ngoằn nghèo tôi đã ghi được ngày hôm trước, tôi đã nghe được tiếng động ngoài cổng rào. Rón rén bước vào, Lâm Phèn nhẹ nhàng ngồi xuống tựa lưng vào cái tường nhà kế bên, trên tay cầm 2 ổ bánh mì. Nó thỉnh thỏang nhìn về hướng cửa sổ và sau một đổi chậm chạp ăn một ổ. Nó trông ra vẻ e ngại bị tôi bắt gặp.
  Thằng con ngoan như nó có vẻ sợ bị ba nó rầy vì nó hơi gầy. Thằng thanh niên như nó không thể kham nỗi sự thiếu chất dinh dưỡng trong 2 bửa cơm tháng sinh viên hàng ngày. Hôm qua đi học ở Phú Thọ về, cả hai đứa tôi mất thêm sức lực. Nó chạy chiếc Honda còn tôi đạp xe. Sáng nay nó đói cồn cào còn tôi đã chế ngự được cơn đói từ 3 giờ sáng đến khi ấy. Nó có quyền ăn bất thứ gì nó thèm ở ngoài kia. Thay vì vậy, nó mang về 2 ổ bánh mì. Nó có thể thản nhiên mời tôi một ổ. Nó lẻ ra nên nhún vai tự nhiên ăn luôn cái ổ bánh mì kia sau khi tôi từ chối. Nhưng nó đã không làm như thế. Tôi đóan rằng nó vừa ăn vừa nghĩ ngợi,
“Làm sao ta có thể một mình ăn sáng được khi mà Thành Xì tỉnh bơ ngồi học. Làm sao ta cũng có thể làm được như hắn thế nhỉ?”
  Tôi cũng thầm nghĩ,
“Làm sao ta có thể kể cho hắn nghe chuyện ăn cắp khoai trên Bảo Lộc và những lần chịu nhịn đói trên đường về Cần Thơ nhỉ?”
   Lâm Phèn có thể biết tôi đang làm gì và đang nghĩ gì. Nhưng có một điều nó không thể nào biết về tôi: “sự chịu đựng”, cái mà tôi đã chỉ có được sau 3 năm học trên Bảo Lộc.